GIẢNG DẠY KẾT HỢP VỚI TRUYỀN THỤ, TỪNG BƯỚC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN, GIẢNG VIÊN GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

Nâng cao kỹ năng sư phạm là nâng cao khả năng thực hiện một số thao tác hay một loạt các thao tác phức tạp của một hành động sư phạm bằng cách lựa chọn và vận dụng những tri thức, cách thức, quy trình đúng đắn. Khoa đào tạo có ảnh hưởng rất lớn đến hoàn thiện các kĩ năng sư phạm, trong đó giảng viên là nhân tố quyết định. Người thầy truyền dạy cho sinh viên lòng hiếu học, tinh thần nghiên cứu khoa học và đặc biệt là ý chí tự học, không ngừng học tập.
Trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khôn lường, các thế lực thù địch vẫn ráo riết chống phá, chủ yếu bằng chiến lược diễn biến hoà bình nhằm xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chuyển hoá cách mạng nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hơn lúc nào hết chúng ta cần xây dựng một thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Vì vậy, việc giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên ở các trường THPT, Cao đẳng, Đại học có vai trò quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu trên.
Giáo dục quốc phòng - an ninh là nội dung học tập đặc thù nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo cho thế hệ trẻ có điều kiện tu dưỡng phẩm chất, rèn luyện năng lực, góp phần giáo dục thế hệ tương lai của đất nước có đạo đức trong sáng, lòng yêu nước, ý chí kiên cường. Môn học này còn có tác dụng rèn luyện cho người học tác phong nghiêm túc, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật. Thông qua các giờ học lí luận người học nhận thức đầy đủ hơn quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của Đảng, Nhà nước; nhận thức rõ hơn về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, những giờ học thực hành lại trang bị cho người học những hiểu biết và những kỹ năng về đội ngũ, chiến thuật cũng như một số loại vũ khí, khí tài, thông qua đó có thể biết cách phân biệt, sử dụng và trang bị cho mình những kỹ thuật cơ bản để sử dụng được một số loại vũ khí thông thường và biết cách phòng tránh khi kẻ thù sử dụng vũ khí tấn công. Môn học giáo dục quốc phòng và an ninh còn rèn luyện cho cho các em một số qui định, chế độ nền nếp trong môi trường quân đội, hướng cho các em làm việc theo nguyên tắc, kỷ cương. Tạo cơ sở cho các em tu dưỡng và hoàn thiện kỹ năng sống của bản thân...
Do vậy, để giảng dạy môn học Giáo dục Quốc phòng và an ninh được tốt, cần phải có đội ngũ giáo viên, giảng viên có chất lượng. Trước hết, bản thân người thầy phải tốt, tốt không chỉ trong chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm mà còn tốt cả trong đạo đức và nhân cách.
Với triết lý xuyên suốt “Đào tạo nhà giáo xuất sắc có tinh thần nhân văn, tư duy hiện đại, hành động tích cực vì sự phát triển cộng đồng”, các trường đại học sư phạm nói chung và Khoa Giáo dục Quốc phòng và an ninh nói riêng đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện trong giáo dục đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên giáo dục QP&AN, trong đó tập chung vào:
Nâng cao kỹ năng sư phạm, đó là khả năng thực hiện một số thao tác hay một loạt các thao tác phức tạp của một hành động sư phạm bằng cách lựa chọn và vận dụng những tri thức, cách thức, quy trình đúng đắn. Khoa đào tạo có ảnh hưởng rất lớn đến hoàn thiện các kĩ năng sư phạm, trong đó giảng viên là nhân tố quyết định đến việc hình thành nhóm kỹ năng tổ chức dạy học cho sinh viên. Người thầy truyền dạy cho sinh viên lòng hiếu học, tinh thần nghiên cứu khoa học và đặc biệt là ý chí tự học, không ngừng học tập, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo.
Không có phần thưởng nào có thể khơi gợi tinh thần ham học thực sự, không có chế tài nào có thể ép người học ham học, yêu học, yêu nghề. Nhưng chính những người thầy, bằng chính tấm gương sáng về lòng ham học, tinh thần tự học, đam mê nghiên cứu khoa học… là nguồn cảm hứng tuyệt vời và sâu sắc nhất, bền bỉ nhất trong sinh viên. Người thầy sẽ biết cách chọn lọc những kiến thức cần thiết phù hợp với trình độ, năng lực tiếp thu của sinh viên, truyền thụ cho các em lòng đam mê nghiên cứu khoa học và tinh thần học tập suốt đời.
Hoạt động giảng dạy của giảng viên là nhân tố rất quan trọng góp phần hình thành, nâng cao kĩ năng sư phạm cho sinh viên. Ngoài việc trang bị kiến thức nghề, quá trình giảng dạy còn giúp sinh viên sửa chữa, hoàn thiện kĩ năng sư phạm của mình. Hình ảnh, tư thế, tác phong, kĩ năng sư phạm của người thầy chính là bài học đầu tiên và cũng là nhân tố ngấm dần, tích lũy dần kỹ năng sư phạm cho người học.
Trong thời đại khoa học phát triển hiện nay, kiến thức của nhân loại và các nguồn thông tin là vô tận, nếu thiếu vai trò định hướng của người thầy, học trò sẽ hoang mang, lạc lối trước các nguồn thông tin mênh mông đó.
Sự ảnh hưởng của người thầy được thể hiện trong từng bài giảng, giờ giảng. Một bài giảng thành công của người thầy không chỉ dừng lại ở việc sinh viên nắm được kiến thức của bài học mà còn phải tự trả lời được những câu hỏi như: Tại sao thầy mình giảng dễ hiểu? Sinh viên lại lắng nghe? Tại sao thầy lại giải quyết tình huống sư phạm như vậy?... Tức là buổi học đó người thầy có chú ý đến việc truyền thụ những bí quyết “nghề” dạy cho sinh viên hay không - điều mà mỗi sinh viên sư phạm rất cần tiếp nhận. Việc làm trên của mỗi giảng viên sẽ giúp các em nhận thức đúng đắn nhu cầu và sự cần thiết phải tiếp thu kĩ năng, kĩ xảo sư phạm, từ đó tạo dựng động cơ, hứng thú, say mê học tập, rèn luyện, tích lũy kĩ năng sư phạm cho sinh viên trong quá trình học tập.
Giảng dạy kết hợp với truyền thụ được tiến hành từ lúc chuẩn bị, thực hành và kết thúc bài giảng. Để có hiệu quả cao, tránh sự nhàm chán, ảnh hưởng đến mục tiêu chính của bài học, đòi hỏi phải có chọn đúng thời cơ và phương pháp phù hợp.
Về thời cơ được thể hiện ở cách tổ chức lớp học, tư thế, tác phong, cách trình bày bảng, sử dụng phương pháp và phương tiện dạy học, cách xử trí tình huống…của người giảng viên.
Giảng viên giảng dạy về lý thuyết cần nắm chắc nội dung, sử dụng phương pháp phù hợp, tư thế tác phong tốt sẽ là hình ảnh không bao giờ quên của mỗi sinh viên. Trong thảo luận, tập bài, kiểm tra …nên sử dụng nhiều hình thức sao cho sinh viên có nhiều cơ hội thuyết trình, viết bảng, chỉ tranh vẽ, mô hình, học cụ, xử lý các tình huống sư phạm… Thông qua đây, giảng viên ngoài việc nhận xét, bổ sung nội dung, giảng viên còn có thể uốn nắn, sửa tập, rút kinh nghiệm cho các em phát huy điểm mạnh, khắc phục những điểm hạn chế, sửa chữa các cố tật…tạo được những kĩ xảo cần thiết cho một người giáo viên ngay từ khi các em học các nội dung.
Giảng viên khi giảng dạy thực hành phải kết hợp chặt chẽ giữa thuyết trình với sử dụng đội mẫu, động tác mẫu; vừa nói vừa làm động tác giúp người học tiếp cận nội dung từ đơn giản đến phức tạp, chú trọng phát huy khả năng sáng tạo, tính độc lập tự chủ của người học. Khi kết luận mẫu đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ nội dung, luyện tập thành thục về phương pháp, sát thực tế với đối tượng để sinh viên nhận thức được sự chuẩn mực và đối chiếu với năng lực, kĩ năng của mình, từ đó tự giác tiếp thu và làm theo. Đặc biệt sau khi kết luận giảng viên phải giải thích được bản chất của vấn đề để mỗi em có thể tự trả lời những câu hỏi chưa rõ như: Tại sao thầy lại thực hiện như vậy? nếu thầy thực hiện cách khác thì sao? Và như vậy các em sẽ từ bị động chuyển sang chủ động tiếp thu kĩ năng sư phạm một cách tích cực, tự giác.
Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh ở các trường đại học sư phạm giai đoạn hiện nay cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản như:
Đối với giảng viên cần nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của giảng viên trong việc hình thành, nâng cao kĩ năng sư phạm cho sinh viên. Cần xác định rõ chuẩn đầu ra, mục tiêu, yêu cầu, hình thức, nội dung rèn luyện kĩ năng sư phạm cho sinh viên.
Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục để không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kĩ năng sư phạm, nhiệm vụ rèn luyện kĩ năng sư phạm cho mọi đối tượng.
Mỗi cán bộ, giảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện không ngừng nâng cao năng lực, hoạt động phương pháp phải được tiến hành thường xuyên trở thành một nền nếp có hiệu quả.
Bài giảng, kế hoạch giảng bài của giảng viên đều phải chuẩn bị kỹ và được phê duyệt thông qua trước thời điểm giảng dạy. Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, mô hình học cụ huấn luyện, tăng cường thực tế chuyên môn tại các cơ sở đào tạo, các đơn vị trong quân đội.
Làm tốt công tác kiểm tra giảng dạy, sơ tổng kết, rút kinh nghiệm công tác giảng dạy, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.
Nghề giáo là một nghề cao quý, luôn được xã hội tôn trọng và yêu quý. Xã hội dù có phát triển đến đâu thì vị trí, vai trò của người thầy trong lòng mỗi người vẫn được khẳng định với sự kính yêu và tôn trọng. Với lòng yêu nghề, trí thông minh, sáng tạo, vững về kiến thức, nắm vững được hệ thống các kỹ năng sư phạm cần thiết, truyền thụ kĩ năng của giảng viên thông qua việc rèn luyện trong nhà trường sư phạm chắc chắn sinh viên sẽ có nền tảng vững chắc cho quá trình hoàn thiện các kỹ năng, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên giáo dục QP&AN của trường đại học sư phạm.

Họ và tên tác giả: Nguyễn Thế Toàn
Mail: thetoanhp@gmail.com
Địa chỉ: Khoa GDQP&AN
Điện thoại: 0982040491


Source: 
27-09-2023
Tags