Thực tập sư phạm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhất đối với sinh viên sư phạm ngành Giáo dục quốc phòng và an ninh nhằm tích lũy và nâng cao năng lực chuyên môn nghề nghiệp cho các em, góp phần hình thành nhân cách người giáo viên tương lai. Tuy nhiên, quá trình thực tập sư phạm vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế dẫn đến chất lượng thực tập sư phạm chưa đạt kết quả cao. Vì vậy việc xác định các biện pháp để nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên ngành Giáo dục quốc phòng và an ninh là một vấn đề cần thiết nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp, bồi dưỡng lòng yêu nghề, đáp ứng yêu cầu của nghề trong xã hội hiện nay. Để nâng cao chất lượng thực tập sư phạm cho sinh viên Khoá 71 chuyên ngành đào tạo Giáo dục quốc phòng và an ninh cần làm tốt một số vấn đề sau:
Một là, Công tác chuẩn bị cho thực tập sư phạm
Đối với Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh:
Bộ môn Phương pháp giảng dạy cần lập kế hoạch, thường xuyên tổ chức các buổi học chuyên đề tìm hiểu về Công tác Thực tập sư phạm cho sinh viên vào năm học thứ 3, thứ 4. Mục đích để sinh viên ý thức về thực hành nghề nghiệp, chủ động trong việc áp dụng kiến thức lý thuyết vào ngành nghề đào tạo.
Đối với giáo viên phụ trách thực tập:
Chủ động nám thông tin nội dung chương trình giáo dục trong thời gian thực tập của sinh viên. Phân chia danh sách cụ thể thực tập tại nhóm lớp nào; Giúp sinh viên chủ động nắm bắt chương trình giáo dục từ đó soạn kế hochj bài dạy, chuẩn bị đồ dùng dạy học đúng thực tế. Cần phát huy công tác tiền trạm để ghi nhận tình hình cơ sở vật chất, số lượng các nhóm lớp để thông tin lại cho sinh viên, giúp sinh viên chuẩn bị kế hoạch thực tập sát với thực tế như: nắm bắt đặc điểm tâm sinh lý của độ tuổi lớp mình phụ trách; Xây dựng kế hoạch bài dạy có hiệu quả.
Đối với sinh viên:
Chuẩn bị về tâm thế, thái độ là điều đầu tiên cần chú ý. Để bước vào một môi trường mới, sinh viên cần tự ý thức trong hành trang tri thức, tự trau dồi lại kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành để áp dụng có hiệu quả trong thực tập sư phạm. Bên cạnh đó, cần có thái độ ham học hỏi, tinh thần cầu tiến, khiêm tốn trong lời nói, hành động với bạn bè cũng như đồng nghiệp. Điều quan trọng hơn nữa là việc hiểu được những việc cần làm và yêu cầu đạt được trong thời gian thực tập sư phạm như: Tìm hiểu thực tế trường thực tập; Thực hành, thực tập Tổ chức các hoạt động dạy học; Ý thức kỷ luật; Báo cáo thu hoạch. Chuẩn bị về tâm thế tốt, sinh viên sẽ không bị áp lực trước đợt thực tập sư phạm vì nhiều nội dung và thời gian dài và yêu cầu ở các trường cao.
Hai là, Thường xuyên giữ mối liên hệ, trao đổi giữa khoa đào tạo và cơ sở thực tập sư phạm
Hàng năng Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh cần phối hợp với trường THPT thực tập xây dựng và triển khai kế hoạch cho sinh viên tìm hiểu và tham gia thực tế thường xuyên với các nội dung. Tổ chức giao lưu, học chuyên đề, học hỏi kinh nghiệm quản lý lớp học, ứng xử sư phạm, giao tiếp với phụ huynh, tham gia trực tiếp công tác giáo viên chủ nhiệm, làm đồ dùng dạy học trong quá trình dạy học, giải đáp những thắc mắc có liên quan đến hoạt động thực tập sư phạm hoặc quá trình làm việc ở trường THPT…
Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh phối hợp cùng trường thực tập lập kế hoạch mời các giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, các giáo viên có nhiều thành tích để chia sẻ kinh nghiệm học tập cũng như làm việc để giảng viên trong khoa cũng như giáo sinh học hỏi, giải đáp những khó khăn thắc mắc của giáo sinh trong quá trình thực tập sư phạm như: Những yêu cầu cần đạt được trong thực tập sư phạm? Những khó khăn của sinh viên khi đi thực tập; Những công việc giáo viên hướng dẫn, cố vấn sẽ giúp đỡ giáo sinh? Làm thế nào để thích ứng với môi trường học tập mới? …
Chủ động yêu cầu giáo sinh tham gia đầy đủ các buổi dự giờ, sinh hoạt tổ chuyên môn trước khi dạy thật cho các giáo sinh để sinh viên có thời gian tập luyện, được nghe góp ý và hoàn thiện kỹ năng, tay nghề của mình hơn. Giảng viên trong khoa liên hệ trực tiếp để phối hợp với các giáo viên tại trường thực tập dự giờ sinh viên. Các tiết tập giảng giáo viên hướng dẫn sắp xếp vào các buổi học phụ để tránh ảnh hưởng đến các buổi học chính khóa của lớp học.
Ba là, Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hoạt động thực tập sư phạm
Tăng việc kiểm tra đánh giá, tiến hành theo từng mốc thời gian cụ thể. Nội dung đánh giá bao gồm: thái độ học tập, tinh thần rèn luyện, thực hiện đúng quy định trong thời gian thực tập sư phạm, thực hiện các giờ tập giảng, giờ chủ nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật. Sổ nhật ký cần được thực hiện sau mỗi buổi thực tập, có phần tổng kết rút kinh nghiệm của bản thân. Kế hoạch làm việc chuyên cần của sinh viên được thể hiện qua sổ nhật ký thực tập sư phạm và bảng tổng kết cá nhân của sinh viên. Sử dụng nhiều phương pháp kiểm tra khác nhau để có những kết luận xác đáng, đảm bảo tính khách quan, đúng thực chất.
Xây dựng chuẩn đánh giá các mặt hoạt động của đoàn thực tập sư phạm một cách hợp lý trên cơ sở xác định các “chuẩn đo” kết quả thực hiện các hoạt động, sao cho kết quả thu được một mặt phản ánh đúng thực chất trình độ hình thành những kỹ năng thực hiện các hoạt động của sinh viên, mặt khác có tác dụng định hướng, điều khiển và điều chỉnh các hoạt động dạy học của giảng viên và học tập của sinh viên về nghiệp vụ sư phạm. Phiếu đánh giá các hoạt động thực tập sư phạm phải được thực hiện qua các "chuẩn đo" về mức độ.
Nâng cao chất lượng thực tập sư phạm của sinh viên chuyên ngành đào tạo giáo viên Giáo dục quốc phòng và an ninh là một trong những yếu tố góp phần tạo nên chất lượng đào tạo của ngành sư phạm nói chung và sư phạm Ngành quốc phòng và an ninh nói riêng. Đây là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng đối với khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh, mỗi giảng viên, sinh viên ngành Giáo dục quốc phòng và an ninh trường Đại học sư phạm Hà Nội. Việc xác định đúng mục tiêu nâng cao chất lượng thực tập sư phạm sẽ góp phần xây dựng thương hiệu của khoa, nhà trường trong lĩnh vực đào tạo sư phạm, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội./.