Với nhiều thế kỷ trước, khi nói đến mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất mà một quốc gia phải đối mặt, người ta nghĩ ngay đến quân đội của một hoặc nhiều quốc gia khác, nhưng giờ đây điều này chưa hẳn đã đủ. Sự xuất hiện của một số tác nhân phi nhà nước, chẳng hạn như các mạng lưới khủng bố, các băng đảng ma túy, cướp biển, di dân tự do, tội phạm mạng, nội chiến đang trở nên thành mối đe dọa thời đại đối với an ninh quốc gia, khu vực và quốc tế. Ngoài các tác nhân phi nhà nước, tác động của sự suy thoái môi trường đối với tương lai, đặc biệt là những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiếu hụt năng lượng, tìm kiếm và tích trữ tài nguyên mới đã nổi lên như một mối đe dọa tin cậy và nghiêm trọng đối với sự tồn vong tương lai hiện đại. Những thay đổi về nhân khẩu học, chẳng hạn như dân số già, tỷ lệ sinh giảm, tình trạng hôn nhân, giới tính, đặc biệt là ở các nước phương Tây nổi lên như một yếu tố xã hội có thể ảnh hưởng đến chính trị toàn cầu. Cùng với đó là sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ 4.0 đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện chiến tranh mạng, gián điệp mạng, thúc đẩy sự kết hợp, dịch chuyển chiến trường từ đất liền, trên không và trên biển sang không gian mạng.
Thế giới đang dần chuyển mình sang một trật tự đa cực, quyền lực không còn tập trung vào siêu cường duy nhất mà được phân bổ giữa nhiều quốc gia và khu vực. Xung đột, chạy đua vũ trang, vũ trụ; chạy đua công nghệ đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, thế giới lưỡng cực được hình thành làm xuất hiện ngày càng nhiều cuộc chiến tranh ủy nhiệm, lôi kéo, can thiệp ngầm, sâu vào nội bộ công việc của các quốc gia khác. Tuy nhiên, xung đột hiện đại không còn giới hạn ở các cuộc đối đầu quân sự. Sự gia tăng của các mạng lưới tội phạm có tổ chức (ví dụ như các băng đảng ma túy, các nhóm khủng bố,…) đã dẫn đến viễn cảnh mối đe dọa an ninh quốc gia từ các tác nhân phi nhà nước này gây ra còn lớn hơn sự đe dọa của lực lượng quân sự từ các quốc gia khác.
1. Mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia
Theo The World Bank (2013) “Mạng lưới tội phạm có tổ chức được hiểu là một mạng lưới sử dụng vũ lực và cưỡng bức tài chính bằng các biện pháp tội phạm”. Theo định nghĩa này, các băng đảng ma túy quốc tế, các nhóm buôn lậu vũ khí và các mạng lưới cướp biển, buôn bán người có thể liệt vào dạng mạng lưới tội phạm có tổ chức lớn. Dưới vỏ bọc các tập đoàn, doanh nghiệp thành đạt, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn lực (cả tài chính và tổ chức) của chính phủ. Chúng sử dụng các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt xâm nhập vào hệ thống điều hành quản lý, mua chuộc, dụ dỗ quan chức; quản lý vận hành mạng lưới phạm tội thông qua ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại nhằm qua mặt các cơ quan an ninh quốc gia. Các mạng lưới tội phạm có tổ chức thường đẩy mạnh hoạt động tại các quốc gia “kém” hoặc “đang phát triển” – nơi mà sự kiểm soát của chính phủ chưa hiệu quả, tình hình thi hành và kiểm soát luật pháp yếu kém, hoặc các quốc gia có tình hình an ninh chính trị bất ổn định, nội chiến kéo dài. Chính vì các mạng lưới này là “các tác nhân phi nhà nước”, chúng không tuân thủ luật pháp và các hiệp ước quốc tế trong việc sử dụng vũ lực. Mặt khác, “các tác nhân phi nhà nước” không bị giới hạn bởi ranh giới lãnh thổ, cũng không công nhận chủ quyền lãnh thổ cụ thể. Do đó, các băng đảng ma túy quốc tế, các nhóm buôn lậu vũ khí bất hợp pháp, mạng lưới cướp biển, vận chuyển buôn bán người phớt lờ mọi quy tắc quốc tế trong quá trình hoạt động. Chúng cũng sử dụng hối lộ như một công cụ hiệu quả để thu hút hoặc ép buộc lực lượng công quyền của nhà nước. Các cơ quan an ninh nhà nước và lực lượng cảnh sát tại các nước đang phát triển và đói nghèo dễ bị dụ dỗ, hối lộ, nên các mạng lưới tội phạm có tổ chức như vậy phát triển mạnh ở những khu vực này.
Tuy nhiên, không chỉ là các quốc gia đói nghèo, chậm phát triển mà kể cả các quốc gia phát triển cũng là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia này hoạt động. Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu là hai thị trường tiêu thụ ma túy lớn mà các băng đảng ma túy tập trung khai thác. (Theo số liệu từ Trung tâm Thống kê Lạm dụng Ma túy Quốc gia (NCDAS) năm 2020 cho thấy trong số những người Mỹ từ 12 tuổi trở lên, có 37,309 triệu người hiện đang sử dụng ma túy bất hợp pháp. 59,277 triệu người hoặc 21,4% số người từ 12 tuổi trở lên đã sử dụng ma túy bất hợp pháp hoặc sử dụng sai thuốc theo toa. 138,543 triệu người hoặc 50% số người từ 12 tuổi trở lên đã từng sử dụng ma túy bất hợp pháp trong đời). Có thể chia quá trình “liên quan” từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng ở cấp độ quốc gia như sau: quốc gia "quê hương" (nơi trồng và sản xuất), quốc gia trung chuyển (có thể là một hoặc nhiều quốc gia tham gia vào quá trình vận chuyển các lô hàng ma túy), quốc gia chủ nhà hoặc quốc gia thị trường và quốc gia dịch vụ (vai trò là nơi tiêu thụ, ẩn náu an toàn cho các giao dịch tài chính bất hợp pháp). Điều tương tự cũng áp dụng cho các mạng lưới tội phạm có tổ chức khác như buôn lậu vũ khí hoặc vận chuyển buôn bán người di cư bất hợp pháp. Các mạng lưới này coi thường chủ quyền, luật pháp không chỉ một mà là nhiều quốc gia, gia tăng hoạt động trong nước và quốc tế, điều này dẫn tới an ninh quốc gia của nhiều nước có thể cùng lúc bị đe dọa.
Việc bắt giữ những kẻ cầm đầu các mạng lưới tội phạm này ngày càng trở nên khó khăn với chính quyền các nhà nước (ví dụ như ở Colombia). Lý do ở đây chính là nạn tham nhũng, chính “nạn tham nhũng” đã tạo ra vỏ bọc hoàn hảo và “giáp bảo vệ” chắc chắn cho những kẻ cầm đầu. Trong một vài trường hợp, những kẻ cầm đầu của các mạng lưới tội phạm tạo hiệu ứng “phúc lợi”, ảnh hưởng, lôi cuốn người dân còn hơn cả chính quyền sở tại. Điều này thường có hiệu quả ở chính "quê hương" tổ chức tội phạm, nơi người dân còn chịu cảnh đói nghèo, tỷ lệ tội phạm cao và thái độ lỏng lẻo, thờ ơ của chính quyền trong giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội.
Các mạng lưới tội phạm có tổ chức tự nhận mình là những nhà hảo tâm, là người bảo vệ hào phóng của người dân, từ đó tạo ra thái độ tựa như “Hội chứng Stockholm” trong lòng công chúng. Người dân bắt đầu thay đổi thái độ nhìn nhận: ngờ vực, mất niềm tin vào nhà nước và đặt niềm tin vào các tổ chức tội phạm. Điều này dẫn tới sự suy yếu lực lượng cảnh sát và quân đội địa phương, góp phần làm suy thoái an ninh quốc gia của nhà nước. Nhà nước ngày càng yếu đi, cho đến khi tình trạng an ninh rơi vào suy thoái, hỗn loạn và viễn cảnh về một cuộc nội chiến có thể đến rất nhanh. Theo một cách nào đó, rào cản lớn nhất đối với việc chống lại một mạng lưới tội phạm có tổ chức là nhà nước luôn bị coi là ở vị thế yếu hơn. Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi có sự cạnh tranh giữa các băng nhóm tội phạm để giành quyền tối cao, cùng với xung đột giữa các băng đảng và chính quyền nhà nước.
2. Chủ nghĩa khủng bố và nổi loạn
Chủ nghĩa khủng bố nổi lên như những mối đe dọa dễ nhận, dễ thấy nhất đối với an ninh quốc gia, đặc biệt là sau vụ tấn công ngày 11/9 vào nước Mỹ. Hoffman (2013) định nghĩa chủ nghĩa khủng bố là "việc cố ý tạo ra và khai thác nỗi sợ hãi thông qua bạo lực hoặc đe dọa bạo lực nhằm theo đuổi sự thay đổi chính trị". Mặc dù các nhóm khủng bố và nổi loạn tương tự như các mạng lưới tội phạm có tổ chức ở chỗ sử dụng (hoặc đe dọa sử dụng) vũ lực để đạt được các mục tiêu đã nêu, nhưng điểm khác biệt quan trọng và cơ bản nhất nằm ở mục tiêu của chúng: trong khi các băng đảng ma túy và mạng lưới buôn lậu vũ khí chủ yếu hoạt động để gia tăng nguồn tài chính, thì các mạng lưới khủng bố và nổi loạn luôn có mục tiêu chính trị. Hơn nữa, các nhóm nổi loạn khác với các nhóm khủng bố ở chỗ chúng tìm kiếm quyền, lợi ích chính trị và chiếm giữ lãnh thổ, thường là chống lại chính quyền địa phương đã thành lập hoặc thế lực nước ngoài, những người mà chúng coi là lực lượng chiếm đóng bất hợp pháp.
Trong khi mạng lưới tội phạm có tổ chức thao túng bộ máy nhà nước để đảm bảo cho doanh nghiệp của họ phát triển thì các nhóm khủng bố nhắm vào dân thường để thu hút sự chú ý nhằm đạt các yêu cầu về chính trị. Điểm chung duy nhất giữa các mạng lưới tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các nhóm khủng bố chính là các “tác nhân phi nhà nước” không công nhận ranh giới, chủ quyền nhà nước, các chuẩn mực quốc tế quy định về việc sử dụng vũ lực – đây là nguồn đe dọa an ninh chính đối với quốc gia có các nhóm này hiện hữu. Do đó, dân thường, nhà ngoại giao và phóng viên thường xuyên là mục tiêu của các nhóm khủng bố. Việc sử dụng hiệu quả những kẻ đánh bom liều chết để nhắm vào dân thường ở những nơi đông người, việc sử dụng công nghệ và chiến thuật tinh vi như các tổ chức khủng bố tự phát, các nhóm nằm vùng và các mạng lưới ma đã khiến các chính phủ ngày càng khó khăn trong việc kiểm soát và tiêu diệt tận gốc.
Chúng ta dễ ràng nhận ra, thành viên mạng lưới khủng bố thường được đào tạo để trở thành những kẻ “phi lý trí” hoặc “tẩy não” trong khi thủ lĩnh của mạng lưới này lại là những kẻ “hoàn toàn lý trí”. Do đó, ngày càng có nhiều khó khăn cho các chính phủ trong việc truy tìm và tiêu diệt mạng lưới và thủ lĩnh của chúng, thậm chí các nhóm tội phạm ma túy còn tham gia hỗ trợ tài chính cho các nhóm khủng bố. Điều này đôi khi dẫn đến sự mờ nhạt ranh giới giữa tội phạm có tổ chức và khủng bố, tạo thêm áp lực cho các chính phủ trong cuộc chiến chống lại các mạng lưới đan xen như vậy. Ưu điểm quan trọng nhất của một nhóm khủng bố là chúng sử dụng hiệu quả yếu tố bất ngờ, khiến công chúng và chính phủ trở tay không kịp, đặc biệt là nếu chúng sử dụng một lãnh thổ trung lập để tiến hành một cuộc tấn công khủng bố.
Cuộc chiến chống khủng bố đã bị cản trở bởi hiệu quả tổ chức ngày càng tăng của các nhóm khủng bố và việc sử dụng vũ lực thô bạo và giết người có mục tiêu. Cần lưu ý ở đây rằng cuộc chiến tranh liên quốc gia gần đây, các cuộc chiến mà Israel tiến hành chống lại các tác nhân phi nhà nước (tức là Hezbollah và Hamas). Những nghi vấn xuất hiện ngày càng nhiều về việc “liệu chủ nghĩa khủng bố có thể bị tiêu diệt hoàn toàn hay không”? đã ám ảnh tâm trí trong các hoạt động chống khủng bố, ảnh hưởng không nhỏ tới quyết tâm chung tay dẹp tan mối đe dọa này ở góc độ toàn cầu. Mối đe dọa về “chủ nghĩa khủng bố” vẫn là một nhân tố rất quan trọng định hình ý thức an ninh quốc gia.
3. Nội chiến và thay đổi chế độ
Nội chiến thường kéo dài và có tính hủy diệt hơn chiến tranh giữa các quốc gia với nhau bởi số lượng dân thường tử vong. Nếu nội chiến xảy ra giữa các tác nhân nhà nước và phi nhà nước, cùng với sự tham gia của các nhóm dân tộc tự xưng thì bản thân chính phủ quốc gia đó rất khó có thể giải quyết triệt tận gốc. Hơn nữa. nội chiến là vấn đề nội bộ, thường diễn ra giữa các nhóm trong cùng một quốc gia với nhau, do đó rất khó cho việc hỗ trợ hoặc can thiệp nhằm ngăn chặn xung đột leo thang của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế ngay từ ban đầu. Nội chiến Syria là một ví dụ về cách Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên không ngăn chặn hiệu quả xung đột, do đó dẫn đến leo thang chiến tranh đến mức vũ khí hóa học được sử dụng chống lại thường dân vô tội.
Một trong những bất lợi của Liên hợp quốc chính là cách thức cho phép sử dụng vũ lực, trừ khi có bằng chứng rõ ràng về sự xâm lược. Trong các cuộc nội chiến, việc xác định kẻ xâm lược không phải lúc nào cũng dễ dàng. Khi sự can thiệp của Liên hợp quốc không đủ hiệu quả, sự can thiệp của nước ngoài sẽ xuất hiện, khi đó tình hình trở nên trầm trọng, mất kiểm soát, như đã xảy ra ở Libya (Downes, 2011). Tuy nhiên, về bản chất, các cuộc nội chiến có tính chất “vòng lặp”. Khoảng 40% các quốc gia phải chịu đựng một cuộc nội chiến và một sự thay đổi chế độ do một thế lực nước ngoài áp đặt đã phải chịu sự tái diễn. Các cuộc nội chiến khó có thể chấm dứt nhờ sự can thiệp của Liên hợp quốc hoặc nước ngoài trừ tự bản thân các nhóm xung đột dành thắng lợi, điều này cần nhiều thập kỷ. Trong khi đó, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội trở nên hỗn loạn, tội phạm gia tăng. Điều này dẫn đến tình trạng "nhà nước thất bại", chính quyền mất kiểm soát, quyền lực mất bị chia rẽ, mất tập trung khi chịu sự phân tán của quyền lực về tay phe đối lập, quốc gia nước ngoài. Ví dụ về các cuộc nội chiến dẫn đến các nhà nước thất bại, chẳng hạn như Iraq, Afghanistan và Rwanda. Ngoài ra còn có khả năng "lan tỏa", khi một cuộc nội chiến ở một quốc gia ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và hòa bình của các quốc gia láng giềng, dòng người tị nạn, chiến binh nổi loạn, vũ khí và đạn dược tràn vào hoặc chảy ra các quốc gia lân cận. Do đó, các cuộc nội chiến luôn dẫn đến bất ổn khu vực và tình hình an ninh suy thoái.
4. Tác động của sự suy thoái môi trường
Một trong những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến an ninh quốc gia trong hiện nay là sự suy thoái về môi trường, đặc biệt là biến đổi khí hậu và tác động của nó. Dân số tăng và nhu cầu năng lượng gia tăng, đặc biệt là ở các nước phát triển và đang phát triển, đã dẫn đến sự cạn kiệt quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên, với tốc độ nhanh hơn nhiều so với khả năng thay thế.
Biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề quan trọng đối với an ninh thế giới trong vài thập kỷ qua. Sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ có tác động lan tỏa, trong đó nhiệt độ tăng sẽ xuất hiện nhiều hơn bão và lốc xoáy ở các vùng nhiệt đới, làm tan chảy các chỏm băng ở hai cực, dẫn đến nước biển dâng cao và có thể nhấn chìm các vùng trũng thấp, các quốc đảo, đe dọa đến sự tồn tại của nhân loại. Nhiệt độ tăng cũng thúc đẩy sự lây lan bệnh dịch truyền nhiễm, chẳng hạn như sốt rét và bệnh tả, do số lượng vật trung gian truyền bệnh trong không khí và nước tăng lên. Do đó, biến đổi khí hậu là vấn đề đáng quan ngại đối với quốc gia, vì nó là nguồn gốc của nhiều hiện tượng tự nhiên và hiện tượng liên quan khác có thể đe dọa đến sự tồn tại của loài người trong những thập kỷ tới.
Khan hiếm, cạn kiệt tài nguyên nước ngọt đang được dự đoán là nguyên nhân cơ bản cho "cuộc chiến tranh nước" giữa các quốc gia trong tương lai. Một số quốc gia đầu nguồn đang có những biện pháp điều chuyển nguồn nước, ngăn chặn, nắn dòng chảy nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt. Những nỗ lực như vậy không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sống trong khu vực mà còn dẫn đến mối quan hệ xấu đi với các nước láng giềng. Do đó, tình trạng khan hiếm nước ngọt đang là vấn đề an ninh quốc gia quan trọng.
Biến đổi khí hậu cũng có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp do sự gián đoạn của khí hậu bình thường do nhiệt độ tăng. Thiếu hụt lương thực là một vấn đề được coi là vấn đề quan trọng nhất mà các quốc gia sẽ phải đối mặt trong tương lai. Lạm phát giá lương thực đã là một thực tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển có mật độ dân số đông đúc. Mặc dù dự đoán về tình trạng thiếu hụt lương thực vẫn chưa trở thành sự thật, nhưng điều này không thể loại trừ trong tương lai, vì dân số tăng nhanh sẽ gây thêm áp lực lên nguồn tài nguyên đất hữu hạn và việc sử dụng quá nhiều phân bón có thể dẫn đến tình trạng đất bạc màu do mất cân bằng hóa học.
An ninh năng lượng đã và đang là một trong những yếu tố chính thúc đẩy chính sách đối nội và đối ngoại, có ảnh hưởng rất lớn đối với an ninh và sự phát triển bền vững của quốc gia. Dầu mỏ, khí đốt, than đá là những nguồn năng lượng không tái tạo, trong tương lai, năng lượng nước, gió và năng lượng hạt nhân sẽ là nguồn năng lượng chính. Điều này dẫn đến việc đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác phát triển làm giàu nhiên liệu hạt nhân, xử lý chất thải hạt nhân và bảo vệ nhiên liệu hạt nhân khỏi các tổ chức khủng bố và tội phạm phi nhà nước có thể sử dụng sai mục đích. Không thể loại trừ chiến tranh tài nguyên, vì các quốc gia có thể không ngần ngại sử dụng vũ lực tấn công để đảm bảo nhu cầu năng lượng của mình trong tương lai.
Biến đổi khí hậu và môi trường, thiếu hụt năng lượng cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng di dân, tị nạn trên toàn cầu. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, hạn hán, nước biển dâng đã làm mất đi môi trường sống, nguồn nước, đất canh tác của hàng triệu người. Nhiều cộng đồng buộc phải rời bỏ quê hương để tìm nơi an toàn và ổn định hơn, hình thành các dòng di dân môi trường và người tị nạn khí hậu. Điều này gây áp lực lớn cho các quốc gia tiếp nhận về kinh tế, xã hội, hạ tầng cơ sở và làm gia tăng nguy cơ xung đột. Đồng thời, những người di cư và tị nạn thường đối mặt với nhiều thách thức như mất quyền lợi, thiếu an sinh và nguy cơ bị phân biệt đối xử, đồng thời đây cũng là yếu tố góp phần gây ra sự bất ổn cho cả quốc gia xuất cư và quốc gia nhập cư.
5. Thay đổi về nhân khẩu học
Song song với tình trạng quá tải dân số tại một số khu vực đang và kém phát triển trên thế giới là sự thay đổi nhân khẩu học sâu rộng, với dân số vừa già, vừa giảm sút, đây là hậu quả của việc giảm tỷ lệ sinh và tăng tuổi thọ trong vài thập kỷ qua. Tỷ lệ già hóa cao ở Tây Âu và một số nước phát triển khiến các quốc gia này sẽ phải đối mặt với gánh nặng an sinh xã hội dành cho người già và thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai. Tạm thời, chúng ta có thể sử dụng giải pháp di cư lao động từ các nước đang và kém phát triển sang các nước phát triển, tuy nhiên quá trình này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn từ nhiều nguồn khác nhau như các vấn đề sắc tộc và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Cần chi phí lớn để giải quyết sự thiếu hụt về lao động, an sinh xã hội và phòng chống các rủi ro tiềm ẩn từ nguồn lao động nhập cư, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách chi tiêu quốc phòng, có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang nổi nên như một thách thức quyền bá chủ của Mỹ; chính sách “một con” được nhà nước Trung Quốc thực thi nghiêm ngặt trong vài thập kỷ qua đã dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Howe và Jackson dự đoán rằng, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt qua Hoa Kỳ về vấn đề này. Họ cũng dự đoán rằng Nga sẽ phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số mạnh nhất trong số các quốc gia lớn. Mặc dù một số khu vực (chẳng hạn như Châu Phi, cận Sahara) có tỷ lệ dân số trẻ, nhưng kết hợp điều này với bất ổn chính trị và đói nghèo sẽ làm giảm khả năng phát triển kinh tế xã hội. Suy giảm và già hóa dân số cũng sẽ dẫn đến việc giảm năng lực quân sự của một quốc gia do thiếu hụt nhân sự. Vì thế, cân bằng, linh hoạt độ tuổi và quy mô dân số đóng một vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến an ninh và sức mạnh quốc gia.
6. Xung đột mạng và an ninh quốc gia
Thời đại ngày nay được coi là thời đại của sự bùng nổ cách mạng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, IoT, iOS, điện toán đám mây,…giúp người dân tìm kiếm, ứng dụng và sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, "cuộc cách mạng" công nghệ thông tin và truyền thông đã biến đổi cách thức thông tin được sử dụng, truyền tải và lưu trữ không chỉ bởi người dân mà còn bởi quân đội và các cơ quan tình báo nhà nước. Kết quả là xuất hiện chiến trường “không gian mạng”, xung đột mạng và khai thác mạng là những mối đe dọa mới đối với an ninh quốc gia. Trong một cuộc xung đột mạng, không có ranh giới rõ ràng giữa dân sự và quân sự, vì các hệ thống máy tính dân sự có thể được sử dụng để phát động chiến tranh mạng tấn công chống lại một quốc gia "kẻ thù". Ngoài ra, khó khăn là xác định thủ phạm (có thể là các tác nhân nhà nước hoặc phi nhà nước) làm tăng thêm sự nhầm lẫn trong việc xác định hướng hành động hợp pháp sau khi sảy ra tấn công mạng. Một loạt các cuộc tấn công mạng đã được các phương tiện truyền thông đưa tin, đặc biệt là trong vài năm gần đây: Trung Quốc, Israel và Hoa Kỳ được cho là thường xuyên tham gia vào các cuộc xung đột mạng với các quốc gia khác để đánh cắp thông tin kinh doanh hoặc bí mật quân sự (tức là khai thác mạng) hoặc ngăn chặn/làm tê liệt các hệ thống hoạt động quân sự thường xuyên của đối phương (tức là xung đột mạng).
Chiến tranh mạng kết hợp với việc tác động vào các nguồn lực dân sự (như mạng lưới băng thông rộng và hệ thống lưới điện) đã vượt ra ngoài biên giới và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và an ninh quốc gia. Thậm chí, các tác nhân phi nhà nước (như mạng lưới tội phạm có tổ chức và các nhóm cực đoan) xâm nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia và đánh cắp thông tin mà không bị phát hiện, để lại hậu quả khôn lường. Mặc dù mối đe dọa từ các vụ tấn công mạng và khai thác mạng của các tác nhân nhà nước và phi nhà nước thấp so với các cuộc chiến tranh nội bộ hoặc liên quốc gia, nhưng chúng vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia.
7. An ninh tài chính và tiền tệ
Toàn cầu hóa kinh tế tuy mang lại nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến an ninh tài chính và tiền tệ của các quốc gia. Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường, vốn, công nghệ và nguyên liệu từ bên ngoài khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước các biến động toàn cầu như khủng hoảng tài chính, đại dịch hay xung đột địa chính trị. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy (như trong đại dịch COVID-19 hay xung đột Nga-Ukraine), nền tài chính dễ rơi vào khủng hoảng. Cùng với đó, các tập đoàn đa quốc gia (được chống lưng của chính phủ chủ quản) với tiềm lực tài chính mạnh có thể thâu tóm doanh nghiệp trong nước, chi phối thị trường và làm suy giảm khả năng tự chủ tài chính kinh tế. Toàn cầu hóa cũng tạo điều kiện cho dòng vốn “nóng” di chuyển nhanh chóng, gây bất ổn tỷ giá, lạm phát và thậm chí là rủi ro rút vốn ồ ạt. Ngoài ra, tình trạng khai thác tài nguyên quá mức, thất thoát công nghệ, chiến tranh thuế quan, chuyển giá và trốn thuế từ các công ty nước ngoài cũng là mối đe dọa lớn đối với an ninh kinh tế. Những thách thức này đòi hỏi mỗi quốc gia phải có chiến lược quản lý và bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia một cách chặt chẽ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Kết luận
Sự gia tăng của các tác nhân phi nhà nước, xung đột nội chiến, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học và xung đột mạng, toàn cầu hóa kinh tế gây ra mối đe dọa an ninh đối với các quốc gia dân tộc so với an ninh truyền thống. Tất cả những mối đe dọa mới này nằm ngoài khả năng giải quyết đơn lập đối với bất kỳ một quốc gia nào, kể cả với Mỹ-cường quốc số 1 thế giới hiện nay. Cần phải có cái nhìn cụ thể, sự đồng thuận và hợp tác toàn diện của tất cả các quốc gia trên thế giới chung tay đối phó với các tác nhân trên vì một thế giới phát triển bền vững, tiến bộ.
ThS. Nguyễn Thế Toàn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Annan, Kofi. 1998. “Reflections on Intervention.” Speech delivered at the Thirty Fifth Annual Ditchley Foundation Lecture. Available at: http://www.un.org/News/Press/docs/1998/19980626. sgsm6613.html.
2. Cronin, Audrey Kurth. 2011. How Terrorism Ends: Understanding the Decline and Demise of Terrorist Campaigns. Princeton, NJ: Princeton University Press.
3. Downes, B. Alexander. 2011. “To the Shores of Tripoli? Regime Change and Its Consequences.” Boston Review 36:5 (September/October).
4. Hardin, Garrett. 1968. “The Tragedy of the Commons.” Science 162:1243–1248.
5. Hoffman, Bruce. 2013. “What is Terrorism?” In International Politics: Enduring Concepts and Contemporary Issues, 11th Edition, edited by Robert Art and Robert Jervis, New York: Pearson.
6. Howe, Neil and Richard Jackson. 2011. “Global Aging and the Crisis of the 2020s.” CSIS. https:// csis.org/files/publication/110104_gai_jackson.pdf.
7. Jervis, Robert. 2002. “Theories of War in an Era of Leading Power Peace.” American Political Science Review 96:1–14.
8. Lin, Herbert. 2013. “Cyber Conflict and National Security.” In International Politics: Enduring Concepts and Contemporary Issues, 11th Edition, edited by Robert Art and Robert Jervis, New York: Pearson.
9. Nye, Joseph S Jr and David A Welch. 2013. “Managing Conflict.” In Understanding Global Conflict and Cooperation: An Introduction to Theory and History. New York: Pearson.
10. Williams, Phil. 2014. “Transnational Organized Crime and the State.” In The Emergence of Private Authority in Global Governance. 1st edition, edited by Rodney Bruce Hall and Thomas J Biersteker. Cambridge: Cambridge University Press.