NGUYÊN TẮC GIAO TIẾP SƯ PHẠM
Giao tiếp sư phạm loại hình giao tiếp mang tính chất đặc thù nghề nghiệp giữa người dạy và người học, giữa người dạy với người dạy viên trong hoạt động sư phạm nhằm tạo bầu không khí tâm lý thuận lợi cho việc tiếp thu tri thức, kỹ năng, kỹ xảo và hình thành nhân cách người người học. Nói cách khác, giao tiếp sư phạm là giao tiếp có tính chất nghề nghiệp giữa người dạy với người học nhằm tạo điều kiện tối ưu cho quan hệ giữa người dạy với người học để đạt được tiêu giáo dục đặt ra.
Nếu xem giao tiếp sư phạm là sự tiếp xúc tâm lí giữa người với người trong quá trình giáo dục, giao tiếp được coi là điều kiện tất yếu để tiến hành các hoạt động dạy, hoạt động học thì giao tiếp sư phạm không có mục đích riêng, nó chỉ là phương tiện, là công cụ để thực hiện mục đích của giáo dục. Vì hoạt động giáo dục được tạo bởi các yếu tố: người giáo dục và người được giáo dục, nội dung, phương pháp, điều kiện và phương tiện giáo dục. Giao tiếp sư phạm cũng hướng đến mục đích chung của hoạt động giáo dục, đó là hình thành và phát triển nhân cách người học. Giao tiếp sư phạm đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động giáo dục và sự phát triển nhân cách của người học.
Nguyên tắc giao tiếp sư phạm là những quan điểm nhận thức được đúc rút qua hoạt động thực tiễn giáo dục thành những yêu cầu, đòi hỏi người giáo viên phải thực hiện. Những yêu cầu này có tính bền vững, ổn định đến mức chỉ đạo toàn bộ quá trình giao tiếp của giáo viên trong mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng. Để tiến hành giao tiếp sư phạm tốt cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:
1. Nguyên tắc mô phạm trong giao tiếp: Mô phạm trong giao tiếp hay còn gọi là nhân cách mẫu mực trong giao tiếp sư phạm. Nhân cách mẫu mực là nhân cách có đủ những phẩm chất tốt đẹp để làm mẫu, làm gương cho người học noi theo. Người thầy trong quá trình giao tiếp với người học phải chuẩn mực về mọi mặt, các hành vi, thái độ đối với người học phải thể hiện là người có văn hóa, mang tính giáo dục, lời nói và việc làm phải thống nhất và đi liền với nhau. Người học có đặc điểm hay bắt chước và người thầy là người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến họ. Mọi hành vi, cử chỉ, lời nói của thầy cô đều tác động đến nhận thức của người học và rất dễ bị người học làm theo. Vì vậy, khi tiếp xúc với người học, nhân cách cần phải mẫu mực để làm gương cho người học thông qua các biểu hiện cụ thể:
- Ngôn ngữ: lời nói của giáo viên phải rõ ràng, chính xác, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện tính văn hóa, trình độ giáo dục và trình độ trí tuệ, ngôn ngữ chính xác, lịch sự, tế nhị, tinh tế có tính giáo dục cao; mỗi lời nhận xét của thầy cô là một lời động viên, khuyến khích các em cố gắng vươn lên. Phải thận trọng để tránh thiếu văn hóa, giễu cợt, mỉa mai sai lầm, khuyết điểm của người học.
- Hoạt động: mọi cử chỉ, việc làm của người thầy giáo phải phù hợp với chuẩn mực xã hội: điệu bộ, tư thế, tác phong phải mẫu mực, có văn hóa và phù hợp chuẩn mực đạo đức, không làm trái pháp luật, trái với luân thường đạo lý, truyền thống của dân tộc, đặc biệt là thống nhất giữa lời nói và việc làm.
- Thái độ: phải đứng đắn, phải biết yêu thương, đùm bọc, che chở và nâng đỡ người học bằng thiện chí, sự chân tình, độ lượng và khoan dung. Thái độ thể hiện cũng phải phù hợp với chuẩn mực hành vi như trân trọng, phấn khởi, chân thành trước cái tốt và nghiêm khắc, không bằng lòng trước cái sai lầm khuyết điểm; phải tạo cơ hội cho người học nhìn nhận ra sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, tránh áp đặt, giáo điều, máy móc….
- Trang phục: phải thể hiện tính mô phạm là phải đúng đắn, nghiêm túc, lịch sự, kín đáo phù hợp với nghề nghiệp, lứa tuổi, dáng vóc, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và truyền thống dân tộc. Trang phục đẹp và phù hợp sẽ khiến người thầy tự tin hơn, thoải mái hơn trong việc truyền thụ kiến thức; khoảng cách giữa thầy và trò sẽ dần được thu hẹp, chắc chắn không khí lớp học sẽ được đẩy lên cao, gia tăng tương tác, khả năng tiếp thu bài của người học.
2. Nguyên tắc tôn trọng nhân cách đối tượng giao tiếp: Mỗi người học là một chủ thể tự ý thức, có lòng tự trọng, nhất là nhu cầu tự khẳng định mình, nhu cầu được người khác tôn trọng. Khi giao tiếp, nếu biết tôn trọng đối tượng sẽ giúp chúng ta xóa mờ khoảng cách, buổi học sẽ trở lên thân thiện hơn, gần gũi hơn. Trong môi trường giáo dục, việc tôn trọng nhân cách học sinh là điều kiện tiên quyết và cần thiết, người thầy sẽ làm mất đi vai trò và hình ảnh nếu để cái tôi của mình quá lớn và lấn át học sinh, việc này sẽ để lại ấn tượng xấu về người thầy trong mắt học trò và đồng nghiệp.
Uốn nắn nhân cách cho học sinh là quan trọng nhưng nếu chúng ta quá cứng nhắc, thiếu tôn trọng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người học; phải biết cương nhu kết hợp và quan trọng hơn cả là phải biết đặt học sinh của mình vào vị trí luôn được tôn trọng, luôn được lắng nghe. Vì vậy, người thầy khi giao tiếp với học sinh cần tôn trọng nhân cách người học. Tôn trọng nhân cách người học cũng chính là tôn trọng nhân cách của chính mình, có như vậy mới đạt hiệu quả cao trong giao tiếp.
3. Nguyên tắc có thiện ý trong giao tiếp: Nền tảng đạo đức là thân thiện, tính thiện cảm. Giáo viên có thiện ý là người luôn luôn tìm thấy những điểm mạnh ở đối tượng giao tiếp và giúp họ phát huy hết những ưu điểm của mình.
Thiện ý trong giao tiếp thể hiện cụ thể thông qua việc chuẩn bị tài liệu, bài giảng chu đáo, luôn mang hết tài năng, sức lực, tâm huyết dạy học sinh, quan tâm tới học sinh, đồng nghiệp.
Biết cách khích lệ, động viên và bày tỏ sự tin tưởng vào học sinh để học sinh phấn đấu vươn lên khi họ phạm lỗi. Cư xử công bằng, vị tha, khoan dung và giúp đỡ học sinh nhiệt tình khi các em cần. Bên cạnh đó nhận xét, đánh giá phải thật công bằng, bình đẳng, phát huy tốt tính độc lập, tự chủ và sáng tạo của người học. Thiện ý trong khen thưởng, phê bình và trách phạt.
Đảm bảo tính thiện ý trong giao tiếp sẽ tạo ra được quan hệ tình cảm tốt đẹp để đối tượng giao tiếp dễ thông cảm, hiểu biết lẫn nhau. Có như vậy mới mang lại hiệu quả cao trong quá trình giao tiếp.
4. Đồng cảm trong giao tiếp: Đồng cảm tạo sự gần gũi, thân mật, tạo ra cảm giác an toàn ở chính người giao tiếp và người được giao tiếp. Các em coi thầy cô là chỗ dựa đáng tin cậy, có thể thổ lộ những suy nghĩ, cảm xúc, băn khoăn, vướng mắc của mình. Hiểu rõ người học mới tìm ra được các biện pháp giáo dục phù hợp, mới có những hành vi ứng xử phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của các em mà vẫn đạt được mục đích giao tiếp. Đồng cảm trong giao tiếp sư phạm tập trung ở lắng nghe đồng cảm và lắng nghe thấu đáo:
Lắng nghe đồng cảm là một kỹ thuật lắng nghe và đặt câu hỏi tinh tế, giúp người thầy có thể phát triển và tăng cường mối quan hệ thông qua hiểu biết những thông điệp từ suy nghĩ và tình cảm của đối tác.
Lắng nghe thấu đáo tạo ra sự đồng cảm giúp bạn dành được lòng tin của người khác, giúp bạn cùng giải quyết hoặc thấu hiểu vấn đề của họ chứ không phải đơn thuần chỉ là gật đầu, vội vàng đưa ra lời khuyên chưa phù hợp với mong muốn của người đang chia sẻ.
Kiên nhẫn lắng nghe những gì người khác đã nói, ngay cả khi bạn không đồng ý với nó. Điều quan trọng là thể hiện sự chấp nhận và thông cảm những vấn đề của người nói, không nhất thiết phải cố tỏ ra đồng ý quan điểm khác hoặc cố chỉ ra những suy nghĩ không đúng của đối phương. Chỉ đơn giản bằng cách gật đầu hoặc sử dụng các cụm từ như “Thầy có thể hiểu được suy nghĩ của bạn”; “Thầy tôn trọng sự khác biệt nên bạn có thể thoải mái bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của mình” và hãy thử cảm nhận những cảm giác của người nói đang thể hiện. Suy nghĩ của bạn như một tấm gương phản chiếu.
Hãy lặp lại suy nghĩ và cảm giác của người nói. Việc lặp lại theo ngôn ngữ của mình rất quan trọng trong giao tiếp, vì người khác sẽ cảm thấy thích khi có người quan tâm, lắng nghe mình. Ngoài ra, mọi hiểu lầm sẽ được kịp thời sửa chữa nếu có. Bạn có thể mở đầu câu lặp lại như sau: “Không biết thầy hiểu thế này có đúng không…”; “Em nói lại với thầy nếu thầy hiểu sai ý nhé,…..”.
Để khuyến khích người tiếp tục câu chuyện của họ, hãy thêm vào những câu chốt lại từ những gì bạn nghe. Ví dụ như một học sinh đang chia sẻ về sự bất công về điểm số khi làm bài tập nhóm, trong nhóm có người lười hơn mà kết quả thì lại cao hơn, sau khi học sinh bày tỏ cảm xúc về những sự việc, bạn có thể chốt lại như “Vì thế, bạn thấy mình đang quá tải việc trong nhóm?”, hoặc “Bạn cảm thấy mệt mỏi và không biết xử lý thành viên lười trong dự án này như thế nào?”. Câu chốt này nên được thể hiện một cách trung lập, thể hiện tính chất mô tả lại sự việc nhiều hơn là đánh giá xem sự việc đó là xấu hay tốt với đối phương. Sau đó, bạn có thể gợi mở một suy nghĩ tích cực bằng những câu hỏi như: “Thế bây giờ bạn định làm gì?”; “Nếu không thay đổi được người kia, mình có thể chấp nhận thêm được cái gì để cho nhẹ hơn không?” Những câu hỏi hướng tới giải pháp sẽ giúp cho người chia sẻ có thời gian suy nghĩ về vấn đề của họ, mà không cảm thấy bị đánh giá, bị kiểm soát suy nghĩ.
Đây là kỹ năng tạo sự tin tưởng và giúp người khác suy nghĩ tích cực hơn về mọi vấn đề. Một người lắng nghe đồng cảm cần tránh để người nói muốn đi vào tư thế phòng thủ. Để làm điều này, cố gắng không ngắt lời, tranh luận với những gì đang được nói, hoặc thậm chí vội đưa ra ý kiến, lời khuyên. Đối tác đang cần người lắng nghe và tự họ sẽ tìm được cách giải quyết khi ở tâm trạng thoải mái. Hãy tạo cho học sinh hay đồng nghiệp cảm giác yên tâm và tin tưởng bằng cách tập trung hoàn toàn vào những gì họ nói và thấu hiểu cảm giác của đối tác. Khi người nói có ý muốn được thầy cô lên tiếng, chỉ cần lặp lại những câu đã nói. Ví dụ, nếu học sinh nói: “Em không hài lòng với điểm kiểm tra môn toán” Bạn có thể thăm dò bằng cách trả lời: “Bạn nói rằng bạn không hài lòng với điểm kiểm tra môn toán, vì sao thế? “. Hãy thể hiện sự quan tâm bằng cách khám phá câu chuyện và cảm xúc của đối tác. Nếu người nói muốn lời khuyên từ bạn, hãy trung thực, nhưng cố gắng kiềm chế không cung cấp những góp ý có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực.
Đôi khi, chúng ta phải cố gắng kiểm soát cảm xúc khi lắng nghe và tuyệt đối không cho phép mình bị cảm xúc chi phối. Hãy nhớ rằng, bạn phải hiểu thì bạn mới đánh giá và giúp đỡ được người khác. Đôi khi chúng ta nên bắt đầu bằng sự hỏi thăm, cho họ biết bằng bạn hiểu những gì họ đã trải qua, tìm kiếm những điểm chung …. Và hạn chế đưa ra lời phán xét gây hiểu lầm và tổn thương người khác.
Giáo dục quốc phòng là một môn học đặc thù trong giáo dục mà ở đó người dạy và người học có sự tương tác tuyệt đối. Người dạy vừa là người truyền thụ kiến thức, đạo đức nghề nghiệp, khả năng thích nghi mọi điều kiện….. Trong giao tiếp, mọi hành vi, cử chỉ, lời nói của giáo viên đều phải chuẩn mực và nhất quán, người thầy phải là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo. Mọi mệnh lệnh phát ra đều phải chuẩn mực, rõ ràng, dứt khoát, phù hợp với quy định và điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Người thầy phải có sự đồng cảm và chia sẻ với học sinh, quan tâm học sinh, hiểu học sinh, tạo cho học sinh sự an tâm, gần gũi. Trong giảng dạy và quản lý, nên tạo môi trường thân thiện, dân chủ tránh giáo điều, rập khuôn, máy móc. Mang mặc đúng tác phong quy định, thực hiện giờ nào việc ấy, mẫu mực, tự chủ, tự trọng trong mọi lời nói và hành động.
Thế Toàn/ĐHSPHN