Chất lượng đào tạo giáo viên Giáo dục quốc phòng và an ninh được đo bằng kiến thức chuyên ngành và nghiệp vụ sư phạm. Hai yếu tố đó được coi là nền tảng cơ bản nhất tạo nên năng lực nghề của mỗi giáo viên. Nếu một người thầy chỉ vững về chuyên môn, nhưng không có nghiệp vụ sư phạm thì không thể là người thầy giỏi. Năng lực sư phạm của mỗi sinh viên có được là do nhiều yếu tố, song quan trọng nhất vẫn là do kết quả của việc dạy học và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tạo nên. Bởi vậy, phải coi việc dạy phương pháp giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh - học nghiệp vụ sư phạm là nét đặc thù, là vấn đề cốt lõi trong đào tạo giáo viên để hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực nghề cho sinh viên. Trong những năm gần đây, cùng với việc đổi mới chương trình đào tạo, việc dạy và học các môn về phương pháp dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh đã chuyển từ tập trung truyền thụ nội dung kiến thức sang định hướng phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên, góp phần đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít sinh viên đào tạo giáo viên Giáo dục quốc phòng và an ninh ra trường “giàu kiến thức, nhưng nghèo kĩ năng”, sinh viên chưa đủ tự tin trong quá trình dạy học ở trên lớp và giải quyết những vấn đề nảy sinh của thực tiễn giáo dục ở phổ thông. Sự hài lòng của giảng viên, sinh viên, giáo viên phổ thông cũng như các cơ sở tuyển dụng giáo viên về năng lực sư phạm của sinh viên còn ở mức độ chưa cao.
Đổi mới phương pháp dạy và học các môn phương pháp dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh - nghiệp vụ sư phạm theo định hướng hình thành, phát triển năng lực và gắn với các tình huống thực tiễn phổ thông hiện nay ở Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh, đại học sư phạm Hà Nội đã được đổi mới theo định hướng hình thành và phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên. Điều này tất yếu dẫn đến việc dạy và học cũng phải thay đổi theo định hướng trên. Giảng viên giờ đây không còn là trung tâm của quá trình dạy học, là người truyền thụ, rót kiến thức vào đầu sinh viên mà là người định hướng, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động học tập và hỗ trợ sinh viên khi cần thiết, chú trọng sự phát triển khả năng giải quyết vấn đề, khả năng thực hành, vận dụng. Với cách dạy này buộc sinh viên phải tự lực và tích cực tìm kiếm, phát hiện, nêu vấn đề, trao đổi, phản bác, chứng minh, phân tích… rút ra nhận xét, kết luận của mình. Quá trình dạy học không nặng về tập trung trang bị kiến thức cho người học (sinh viên học được những gì) mà chuyển sang dạy cho sinh viên làm được những gì từ điều đã học, dựa trên nguyên lí: Học đi đôi với hành, lí luận gắn với thực tiễn xoay quanh trục năng lực nghề nghiệp đã xác định trong mục tiêu đào tạo
Trong các giờ học, sinh viên không còn phải ngồi yên lặng, trật tự để lắng nghe, ghi chép một cách thụ động bài giảng của giảng viên nữa mà được hoạt động dưới sự tổ chức, hướng dẫn và điều khiển của giảng viên trong suốt quá trình tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng và hình thành thái độ nghề nghiệp trong học tập. Giảng viên và sinh viên cùng hoạt động, cùng làm việc theo tốc độ thời gian. Các hoạt động dạy học rất đa dạng tùy theo từng nội dung của bài học. Các hoạt động này được tổ chức một cách đan xen, linh hoạt trong suốt tiến trình của bài học.
1. Dạy học gắn với hướng dẫn tự học
Tự học chính là con đường phát triển nội sinh để phát triển năng lực bản thân. Chính vì lẽ đó, trong dạy học phát triển năng lực, việc hướng dẫn sinh viên tự học, tự khám phá để chiếm lĩnh kiến thức là một yêu cầu đặc biệt quan trọng. Đây chính là cơ sở để phát triển năng lực tự học suốt đời cho sinh viên. Để làm được điều này, giảng viên cần hạn chế diễn giảng, không cung cấp mọi kiến thức có sẵn cho sinh viên, chỉ nên định hướng nội dung, giao nhiệm vụ học tập, đặt câu hỏi để sinh viên động não, suy nghĩ, khám phá, tìm kiếm câu trả lời và tự giải quyết vấn đề. Việc làm này chính là chìa khóa cho một lớp học theo mô hình phát triển năng lực và cũng chính là thể hiện năng lực của người thầy.
2. Dạy học gắn với các tình huống thực tiễn ở phổ thông
Mục tiêu của dạy học phát triển năng lực nghề là sau khi học xong các môn phương pháp dạy học Giáo dục quốc phòng và an ninh - nghiệp vụ sư phạm, sinh viên có được những kiến thức, kĩ năng, thái độ như thế nào?, họ có thể làm được gì và vận dụng như thế nào vào công việc dạy học - giáo dục trong tương lai. Chính vì lẽ đó, việc đưa bài học vào thực tiễn nhà trường phổ thông và mang thực tiễn trường phổ thông vào bài học là một yêu cầu đặc biệt quan trọng của dạy học hình thành, phát triển năng lực nghề. Giáo trình và các bài giảng phải giúp sinh viên vận dụng được những kiến thức, kĩ năng vào giải quyết những vấn đề hay tình huống cụ thể của thực tiễn ở nhà trường phổ thông và trong quá trình dạy học phương pháp giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh, giảng viên cũng phải đưa kiến thức từ thực tiễn của nhà trường phổ thông vào trong các bài giảng để sinh viên thấy giá trị thực của học tập. Nhờ đó, kiến thức trở nên gần gũi, thiết thực, hữu ích với sinh viên.
Mọi sự thành công trong học tập đều bắt đầu từ ý thức. Ý thức là tiền đề, là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy sinh viên tích cực học tập. Bởi vậy, cần làm cho sinh viên thấu hiểu được giá trị của nghề dạy học, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm học tập để trở thành giáo viên trong tương lai. Bên cạnh đó, cần trang bị cho sinh viên phương pháp, kĩ năng học tập cơ bản để tự học và học suốt đời./.