Nghiên cứu khoa học là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình đào tạo ở các trường Đại học và Cao đẳng, đây cũng là hình thức dạy học đặc thù nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo học chế tín chỉ như hiện nay. Chính vì vậy, Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh - Đại học sư phạm Hà Nội rất quan tâm và khuyến khích cán bộ, giảng viên và sinh viên nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, số lượng đề tài nghiên cứu và đặc biệt là chất lượng các công trình khoa học của sinh viên còn có những hạn chế nhất định.
Nghiên cứu khoa học là quá trình trải nghiệm từ lý thuyết đến thực tiễn và mang lại những ý nghĩa thiết thực cho sinh viên. Bằng nhiều hình thức khác nhau như: viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận, nghiên cứu khoa học sẽ rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức, tư duy logic, xây dựng tinh thần hợp tác. Trên cơ sở đó, nghiên cứu khoa học sẽ tạo ra những bước đi ban đầu để sinh viên tiếp cận với những vấn đề mà khoa học và cuộc sống đang đặt ra, gắn lý luận với thực tiễn, góp phần giáo dục toàn diện cho sinh viên. Bên cạnh đó tham gia nghiên cứu khoa học là cơ hội để sinh viên thể hiện năng lực của bản thân, rèn luyện các kĩ năng mềm như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng quản lý thời gian, kĩ năng thuyết trình...Vì vậy, tham gia nghiên cứu khoa học không những là quyền lợi thiết thực của cá nhân sinh viên, mà là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa và Nhà trường. Với những ý nghĩa quan trọng đó, Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh luôn quan tâm, tạo điều kiện và đưa ra những chính sách khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học như: cộng điểm rèn luyện, cộng vào điểm trung bình chung học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Tuy nhiên, đối với sinh viên Khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh thực hiện một nghiên cứu là một công việc khá phức tạp thậm chí là khó khăn, bởi lẽ các em sinh viên ngoài việc nghiên cứu còn phải hoàn tất các môn học khác, đa số là sinh viên xa nhà, phải chủ động về kinh phí, phương tiện đi lại, thu thập số liệu, in ấn, khảo sát... Mặc dù vậy, cũng đã có không ít các em sinh viên của Khoa đã mạnh dạn tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học với sự nỗ lực của bản thân, sự đam mê khoa học, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của giảng viên hướng dẫn mà các em đã đạt được những kết quả tốt với sự đánh giá cao của các thầy trong Khoa.
Bên cạnh đó vẫn còn vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên chưa có tính chủ động tích cực trong hoạt động này. Sự hiểu biết của sinh viên về công tác nghiên cứu khoa học chưa đủ cả về chất và lượng. Chưa có một kênh thông tin nào thường xuyên và mạnh mẽ đưa những nội dung về vấn đề này đến sinh viên, vì vậy đa số các bạn sinh viên coi nghiên cứu khoa học là khá xa vời, chỉ dành cho những sinh viên xuất sắc. Số lượng sinh viên nghiên cứu khoa học còn ít, tỷ lệ đề tài hằng năm trên tổng số sinh viên của Khoa còn thấp, số sinh viên đạt giải thưởng nghiên cứu khoa học các cấp chưa nhiều, số đề tài hội đồng đánh giá, chấm điểm và bảo vệ, lĩnh vực nghiên cứu.. còn khá khiêm tốn và chưa tương xứng với số lượng sinh viên của Khoa. Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học chủ yếu tập trung vào nhóm sinh viên năm thứ 2 và năm thứ 3, do kiến thức chuyên môn chưa được tích lũy nhiều vì vậy đa phần các đề tài còn nặng tính lý thuyết, khả năng ứng dụng thực tiễn chưa cao.
Để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên trong Khoa, cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, nâng cao nhận thức của sinh viên về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học quá trong quá trình đào tạo
Trở thành sinh viên Đại học là một niềm vui, niềm tự hào không chỉ với bản thân sinh viên mà còn của cả gia đình, thầy cô, bè bạn. Với một môi trường học tập, nghiên cứu năng động, sáng tạo, thì sinh viên cần phải đầu tư và tập trung cho công việc chính của một người sinh viên là nghiên cứu và học tập. Giảng viên cần hướng dẫn cho sinh viên thấy được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời hướng dẫn từng bước thực hiện nghiên cứu như thế nào, cần định hướng cho sinh viên lựa chọn những đề tài phù hợp chuyên ngành đào tạo giáo viên Giáo dục quốc phòng và an ninh, phù hợp với thực tiễn, trình độ kiến thức. Khi đã có định hướng cụ thể, có kiến thức, có phương pháp nghiên cứu, sinh viên sẽ cảm thấy nghiên cứu khoa học không phải là một công việc quá khó và mình hoàn toàn có thể làm được.
Hai là, tăng cường tổ chức cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học cùng với giảng viên
Việc tăng cường cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học cùng với giảng viên sẽ tạo niềm tin, sự khích lệ cũng như những hứng thú nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Sinh viên có thể cùng giảng viên thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ môn, cấp khoa, thậm chí cấp đại học. Giảng viên có thể hướng dẫn sinh viên thực hiện những công việc phù hợp như thu thập số liệu, thu thập tài liệu, phỏng vấn đối tượng, chỉnh sửa các lỗi về in ấn, lỗi trình bày văn bản... để sinh viên dần làm quen và tạo được hứng thú với công tác nghiên cứu khoa học.
Ba là, phát động các phong trào thi đua và có hình thức khen thưởng kịp thời cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học
Cần khuyến khích, tạo động lực cho sinh viên tích cực tham gia những hoạt động nghiên cứu khoa học một cách tự nguyện, thích thú chứ không mang tính bắt buộc thông qua việc biểu dương thành tích, khen thưởng tại các cuộc thi, các hội thảo nghiên cứu khoa học ở các cấp. Đưa ra những lợi ích thiết thực khi sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học cũng như những phần thưởng tương ứng với những gì sinh viên đã nỗ lực.
Hoạt động nghiên cứu khoa học mang lại những ý nghĩa thiết thực cho sinh viên. Tham gia nghiên cứu khoa học là cơ hội để sinh viên thể hiện năng lực của bản thân, rèn luyện khả năng tư duy phản biện độc lập, sáng tạo... Tham gia nghiên cứu khoa học không những là quyền lợi thiết thực của cá nhân sinh viên, mà là một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường. Để đẩy mạnh hoạt động này, Khoa và sinh viên trong khoa cần có một bước đột phá mới, phải trang bị kiến thức về nghiên cứu khoa học và tạo môi trường nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngay từ những năm đầu của chương trình đào tạo. Sinhviên là trọng tâm của quá trình đào tạo, được tạo điều kiện thuận lợi và được cung cấp các kiến thức cần thiết để thực hành nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học đúng với chuyên môn và phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội hiện nay./.