An ninh phi truyền thống (Non Traditional Security) là một thuật ngữ bắt đầu được nói đến vào những năm cuối của thế kỷ 20 và đã trở thành một thuật ngữ phổ biến tại các hội nghị và diễn đàn hợp tác song phương, đa phương trong phạm vi khu vực và thế giới. Nội hàm của an ninh phi truyền thống là các vấn đề mới nảy sinh có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia được các nước chú ý quan tâm nghiên cứu từ thời Chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh kết thúc đã mở ra một kỷ nguyên mới cho công cuộc chạy đua và tìm kiếm, khai thác nguồn tài nguyên, mở rộng hợp tác các vùng lãnh thổ, đây là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành, hiện hữu và phát triển rộng rãi các vấn đề thuộc phạm trù an ninh phi truyền thống trên phạm vi toàn thế giới.
Cũng giống như An ninh truyền thống, An ninh phi truyền thống chính là sự biểu đạt rõ ràng nhất về mối quan hệ giữa an ninh và con người, bao gồm hàng loạt các mối lo ngại như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm, thiên tai, tội phạm buôn bán người, tội phạm mạng, tội phạm ma túy xuyên quốc gia, di dân xuyên biên giới… Thoạt nhìn, an ninh phi truyền thống có vẻ như nằm ngoài và không tác động tới an ninh quốc gia (không giống như xâm chiếm lãnh thổ hay bạo loạn lật đổ), nhưng thực tế nó lại là mối nguy hại tiềm tàng, tác động và ảnh hưởng lâu dài đến an ninh quốc gia, thậm trí vượt hẳn ra ngoài tầm kiểm soát của an ninh truyền thống, đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia và an ninh con người. Việc giải quyết các vấn đề thách thức của an ninh phi truyền thống cần sự chung tay, đồng thuận tham gia của các nước trong khu vực và trên thế giới có tính đồng bộ, lâu dài.
1.1. An ninh phi truyền thống dưới góc nhìn quốc tế
Richard H. Ullman, trong bài viết mang tính tiên phong của mình vào năm 1983 đã thể hiện quan điểm: “An ninh quốc gia không nên hiểu theo nghĩa hẹp là bảo vệ nhà nước trước những cuộc tấn công quân sự qua biên giới lãnh thổ mà an ninh quốc gia còn phải đối mặt với những thách thức phi truyền thống, bao gồm: khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, an ninh môi trường, di cư bất hợp pháp, an ninh năng lượng và an ninh con người”.[8]
Còn theo Amitav Acharya, an ninh phi truyền thống là “các thách thức đối với sự tồn vong và chất lượng cuộc sống của con người và nhà nước có nguồn gốc phi quân sự như thay đổi khí hậu, khan hiếm nguồn lực, bệnh dịch, thiên tai, di cư không kiểm soát, thiếu lương thực, buôn người, buôn ma túy và tội phạm có tổ chức”. Trong cách tiếp cận vấn đề an ninh phi truyền thống này, hai đối tượng bị thách thức trực tiếp ở đây là nhà nước và con người [4].
Thuật ngữ an ninh phi truyền thống được bắt đầu nói đến từ thập niên 80 của thế kỷ 20, được sử dụng rộng rãi ở thế kỷ 21. Tuy nhiên, mỗi vùng lãnh thổ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện, vị thế, hoàn cảnh mà người ta đưa ra cách tiếp cận khác nhau. Dưới góc nhìn của GS.Mely Caballero Anthony, Tổng thư ký Liên minh các cơ sở nghiên cứu về an ninh phi truyền thống tại Châu Á, ông cho rằng “An ninh phi truyền thống là đề cập đến sự chuyển hướng khỏi trọng tâm quân sự, nhà nước của các mô hình an ninh truyền thống; các vấn đề an ninh phi truyền thống là các thách thức đối với sự tồn vong và thịnh vượng của con người và các nhà nước, xuất hiện chủ yếu trong các nguồn phi quân sự, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, nguồn tài nguyên cạn kiệt, bệnh truyền nhiễm, thiên tai, di cư trái phép, tình trạng thiếu lương thực, đưa người di cư trái phép, buôn bán ma túy trái pháp luật và tội phạm xuyên quốc gia. Những mối nguy hiểm này thường xuyên quốc gia về phạm vi, bất chấp các biện pháp khắc phục đơn phương và đòi hỏi sự ứng phó toàn diện cả chính trị, kinh tế, xã hội, cũng như sử dụng lực lượng quân sự nhân đạo” [12]. Theo góc độ tiếp cận của Caballero Anthony ta thấy an ninh phi truyền thống đề cập đến bốn vấn đề cơ bản:
Thứ nhất “sự chuyển hướng khỏi trọng tâm quân sự, nhà nước của các mô hình an ninh truyền thống”. Các vấn đề thuộc nội hàm của an ninh phi truyền thống chưa hẳn đã là mới trong lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại. Nó là các vấn đề luôn thường trực, hiện hữu trong đời sống xã hội loài người. Khi một xã hội phát triển, nhu cầu của con người ngày một tăng cao, cùng với đó là giao thoa, biến đổi và dịch chuyển các nền kinh tế, vùng kinh tế trên thế giới thì các vấn đề đó tất lẽ sẽ diễn ra. Thường thì chúng ta vẫn đánh đồng nó thuộc về các vấn đề an ninh chung. Thế nhưng, chỉ khi nhận thức con người phát triển đến một mức độ nhất định, một số nước thoát khỏi sự bao bọc, bảo hộ của các nước lớn thì lúc ấy chính phủ và người dân mới thực sự chú ý đến các vấn đề mà trực tiếp hoặc gián tiếp có ảnh hưởng đến an ninh truyền thống. Điều này dẫn đến thay đổi nhận thức về mô hình an ninh truyền thống và đưa các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống thoát ra khỏi trọng tâm chính trị, quân sự thuộc nhà nước.
Thứ hai các “thách thức đối với sự tồn vong, thịnh vượng của con người”. Các vấn đề thuộc về an ninh phi truyền thống nó gắn liền với cuộc sống của con người, do con người trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên, tác động ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống vật chất tinh thần con người.
Thứ ba, nguồn gốc xuất hiện của an ninh phi truyền thống đến từ rất nhiều nguồn khác nhau, đa dạng và phong phú. Chúng có chung một điểm xuất phát là sự tác động của con người và đích đến cuối cùng cũng là con người (có thể trực tiếp hoặc gián tiếp). Ví dụ như con người tác động và môi trường sống, khai thác môi trường, bóc lột môi trường, hủy hoại môi trường… và chính hậu quả con người lại là người sử dụng môi trường đó. Nguồn gốc của an ninh phi truyền thống cơ bản là phi chính trị và phi quân sự.
Thứ tư, giải pháp tổng thể nhằm khắc phục hậu quả và giải quyết các vấn đề thuộc an ninh phi truyền thống cần sự chung tay đồng bộ của tất cả các quốc gia, các vùng lãnh thổ với nhau. Giải quyết quyết liệt, bền bỉ, lâu dài.
Năm 1990, các nhà nghiên cứu ở Châu Âu và Bắc Mỹ trong quá trình mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình đã đưa ra cảnh báo về một số mối đe dọa mới đang nổi lên. Họ sử dụng đến thuật ngữ an ninh phi truyền thống như là để miêu tả tổng quát các mối đe dọa đang hiện hữu với chính phủ và người dân.
Ở Châu Á, thuật ngữ “an ninh phi truyền thống” đã được ASEAN và một số chính phủ sử dụng. Điển hình như năm 1997-1998, Trung Quốc có đưa ra khái niệm “An ninh mới” tại Tổ chức hợp tác Thượng Hải, đây chính là khái niệm tiền đề cho thuật ngữ an ninh phi truyền thống sau này. Tháng 5/2002, Trung Quốc đã ban hành một văn bản lập trường về hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, trong đó xác định 7 lĩnh vực đáng quan tâm và nhấn mạnh đến việc ngăn chặn và tôn trọng chủ quyền, không can thiệp cũng như các nguyên tắc tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và phối hợp. Theo GS. Zhang Yunling, thành viên của Viện khoa học xã hội Trung Quốc, giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế, Trường nghiên cứu Đông Bắc Á, Đại học Sơn Đông: “Khái niệm an ninh theo truyền thống chỉ liên quan đến các quốc gia và các mối đe dọa an ninh quốc gia là về bản chất từ bên ngoài và quân sự. Ngược lại, an ninh phi truyền thống bao trùm các lĩnh vực rộng hơn, từ chính trị, kinh tế và xã hội đến các vấn đề sinh thái, môi trường và văn hóa. Ngoài ra, trong khi các mối đe dọa an ninh truyền thống chủ yếu đến từ bên ngoài thì an ninh truyền thống đến từ cả bên trong và bên ngoài (bên trong là chủ yếu).
Theo giới học giả Trung Quốc, các vấn đề an ninh phi truyền thống ở Trung Quốc hiện nay được chia thành năm nhóm:
Một là, vấn đề an ninh liên quan đến phát triển bền vững (sustainable development), bao gồm bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên, môi trường sinh thái toàn cầu và kiểm soát phòng chống dịch bệnh;
Hai là, các mối đe dọa an ninh đến sự ổn định khu vực và quốc tế (regional and international stability), bao gồm an ninh kinh tế, an ninh xã hội, quyền con người và người tị nạn;
Ba là, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia (transnational organized crimes) bao gồm cả buôn người và buôn bán ma túy;
Bốn là, tổ chức tồn tại ngoài nhà nước/phi quốc gia (non-state/nation organizations) thách thức trật tự quốc tế, lớn nhất là sự đe dọa của khủng bố quốc tế;
Năm là, vấn đề an ninh gây ra bởi phát triển công nghệ và toàn cầu hóa, bao gồm cả an ninh mạng, an ninh thông tin và an ninh kỹ thuật di truyền (genetic engineering security).
Tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 diễn ra tại tại Phnôm Pênh (Campuchia) ngày 01-11-2002, thuật ngữ “an ninh phi truyền thống” xuất hiện trong Tuyên bố chung ASEAN –Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống và thống nhất rằng: “Các vấn đề an ninh phi truyền thống như buôn bán ma túy bất hợp pháp, mua bán người bao gồm mua bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm mạng đã trở thành những yếu tố bất ổn quan trọng ảnh hưởng đến an ninh khu vực, quốc tế và đang đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế”.
Nhìn nhận vấn đề dưới lăng kính của tổ chức quốc tế, theo Liên hợp quốc, an ninh phi truyền thống bao gồm bảy lĩnh vực là: kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị.
1.2. An ninh phi truyền thống dưới góc nhìn từ Việt Nam
Ở Việt Nam chúng ta, các nhà khoa học đã nghiên cứu về vấn đề này từ đầu những năm 80 và nó đã trở thành một chủ đề hấp dẫn đối với giới nghiên cứu khoa học chính trị, quốc phòng an ninh. Hiện có 2 trường phái tương đối khác nhau về an ninh phi truyền thống. Trường phái thứ nhất cho rằng an ninh phi truyền thống nằm ngoài và đối lập với an ninh truyền thống, không bao hàm an ninh quân sự. Trường phái thứ hai thì cho rằng an ninh phi truyền thống có mối quan hệ tương quan và đan xen với an ninh truyền thống.
Tác giả Nguyễn Vũ Tùng cho rằng, an ninh quốc gia được bảo đảm thì an ninh của người dân trong quốc gia đó mới được bảo đảm tốt. Ngược lại bảo đảm được quyền sống, quyền phát triển của con người dân tốt thì sức mạnh quốc gia ngày càng được củng cố vững chắc và tăng cường, nhờ đó tầm vóc và vị thể quốc gia ngày càng nâng cao. Do đó an ninh phi truyền thống phải đặt trong mối quan hệ tương quan với an ninh truyền thống, hay nói đúng hơn an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống là hai mặt cấu thành nên an ninh quốc gia, chúng không có tính loại trừ nhau [3].
Theo tác giả Tạ Minh Tuấn đăng trên tạp chí quốc tế số 3-2008 cho rằng: “An ninh phi truyền thống gồm chủ nghĩa khủng bố quốc tế, buôn bán ma túy và tội phạm xuyên quốc gia, HIV/AIDS, dịch bệnh, nhập cư bất hợp pháp, đói nghèo, chệch hướng phát triển, xuống cấp môi trường, thảm họa thiên nhiên, an ninh thông tin, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt…” [2].
Học giả Lê Văn Cương nghiên cứu và cho rằng an ninh phi truyền thống có nguồn gốc từ các yếu tố có tính phi quân sự của gồm: “Chủ nghĩa khủng bố, dân tộc cực đoan, an ninh tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh khoa học kỹ thuật, sự mất cân bằng sinh thái, buôn lậu ma túy, dịch bệnh truyền nhiễm, di dân bất hợp pháp, bùng nổ dân số, cạn kiệt nguồn nước, cướp biển, kinh tế ngầm, rửa tiền….” [7]
Tại công trình nghiên cứu “Mối đe dọa an ninh phi truyền thống và tác động của nó đến quan hệ quốc tế hiện nay”, tác giả Hồ Châu và cộng sự đã chỉ ra an ninh phi truyền thống có các đặc điểm cơ bản như: khả năng xuyên quốc gia, tính chất phi chính phủ, tính tương đối, khả năng chuyển hóa, tính vận động, tính vô hình và tính xác định [6].
Trước Đại hội IX, Đảng Cộng sản Việt Nam tuy chưa chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi truyền thống trong văn kiện chính trị của mình nhưng đã từng chỉ ra những dấu hiệu, những vấn đề của an ninh phi truyền thống. Đại hội VIII (6-1996) cho rằng: “Thế giới đứng trước nhiều vấn đề có tính toàn cầu (bảo vệ môi trường, hạn chế sự bùng nổ về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những bệnh tật hiểm nghèo...), không một quốc gia nào có thể tự giải quyết, mà phải có sự hợp tác đa phương” [5]. Đại hội IX (tháng 01-2001) tiếp tục khẳng định các tinh thần của Đại hội VIII và bổ sung thêm vấn đề chống tội phạm quốc tế vào nội dung này. Đại hội X bổ sung và phát triển: “Nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức phối hợp giải quyết; khoảng cách chênh lệch giữa các nhóm nước giàu và nước nghèo ngày càng lớn; sự gia tăng dân số cùng với các luồng di cư; tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, môi trường tự nhiên bị hủy hoại; khí hậu diễn biến ngày càng xấu, kèm theo những thiên tai khủng khiếp; các dịch bệnh lớn, các tội phạm xuyên quốc gia có chiều hướng tăng”[1]. Phải đến Đại hội XI của Đảng (tháng 4-2011) mới chính thức sử dụng khái niệm an ninh phi truyền thống với các vấn đề được chỉ ra, như: chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế bùng nổ dân số, phòng ngừa và hạn chế dịch bệnh hiểm nghèo [11]. Đại hội XII (tháng 01-2016) đặt an ninh phi truyền thống bên cạnh an ninh truyền thống, chỉ ra một số vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng [10], xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố. Đồng thời có lưu ý đến “các hình thái chiến tranh kiểu mới” với hàm ý khả năng chuyển hóa giữa an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống.
Cuốn “Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” do Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông làm đồng chủ biên định nghĩa: “An ninh phi truyền thống có thể hiểu là một loại hình an ninh xuyên quốc gia do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi nước, cả khu vực và toàn cầu. Nội dung của an ninh phi truyền thống là những vấn đề bức thiết đang nổi lên hiện nay như: cạn kiệt tài nguyên, bùng nổ dân số, môi trường sinh thái cạn kiệt, xung đột tôn giáo, dân tộc, nghèo đói, bệnh tật, tội phạm rửa tiền,… An ninh phi truyền thống ngày càng có biểu hiện sâu đậm trong đời sống quốc tế và thành vấn đề toàn cầu, an ninh toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa càng phát triển thì theo đó, an ninh phi truyền thống càng lan rộng hơn và đậm nét hơn” [9].
Tóm lại: Các học giả ở Việt Nam đã nghiên cứu và đưa ra một cách tương đối tổng quát về an ninh phi truyền thống và nội hàm của an ninh phi truyền thống. Với mỗi một điều kiện hoàn cảnh, trình độ khác nhau, lĩnh vực khác nhau thì cách tiếp cận vấn đề cũng khác nhau. Về cơ bản, chúng ta đều nhận thức rằng an ninh phi truyền thống có ảnh hưởng và tác động đến con người, là những yếu tố khách quan bên ngoài mang tính phi chính trị, phi quân sự, chúng có nguồn gốc tích lũy tiềm tàng cần sự chung tay khắc phục của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ.
1.3. An ninh phi truyền thống là gì?
Có thể thấy được rằng, thuật ngữ an ninh phi truyền thống có rất nhiều các tiếp cận khác nhau nhưng cùng chung lại có một số vấn đề cơ bản:
Thứ nhất, an ninh phi truyền thống diễn ra trên phạm vi rộng, xuyên quốc gia, ảnh hưởng và tác động lớn đến khu vực hoặc toàn cầu. Điều này thật dễ hiểu khi mà thế giới chúng ta đang sống là “thế giới phẳng”, các quốc gia và khu vực lãnh thổ có sự đan xen, giao thoa và hợp tác qua lại với nhau. Vì thế, khi phát sinh ra từ quốc gia (hoặc vũng lãnh thổ) này sẽ lan tỏa với tốc độ nhanh, phạm vi rộng đến các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, nguồn gốc của an ninh phi truyền thống thường đến từ tự nhiên hoặc do các tổ chức ngoài nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân tiến hành. Trong khi đó an ninh truyền thống là xung đột quân sự giữa các nhà nước hoặc các tổ chức có tính đại diện cho nhà nước.
An ninh phi truyền thống xuất hiện muộn hơn so với an ninh truyền thống. Cũng có một số vấn đề thuộc an ninh phi truyền thống xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử phát triển xã hội loài người như dịch bệnh, khan hiếm nguồn nước, lương thực… nhưng ở phạm vi nhỏ hẹp, quy mô chưa lớn và con người ít để ý quan tâm tới. Ngày nay, do tác động của nền kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hợp tác giao thương giữa các khu vực, vùng lãnh thổ trên thế giới ngày càng mở rộng, phương tiện truyền công nghệ truyền thông phát triển...là điều kiện thuận lợi để an ninh phi truyền thống lan rộng, ảnh hưởng trở thành mối quan tâm lớn của nhân loại.
Thứ ba, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ảnh hưởng trực tiếp đến con người, cộng đồng xã hội và quốc gia, còn an ninh truyền thống uy hiếp trực tiếp tới chủ quyền lãnh thổ, biên giới, an ninh chính trị quốc gia.
Thứ tư, an ninh phi truyền thống bao hàm cả 2 yếu tố bạo lực và phi bạo lực. Các vấn đề mang tính chất bạo lực (nhưng bạo lực không có sự xuất hiện của quân đội) như khủng bố, tội phạm có tổ chức… Các vấn đề mang tính phi bao lực như kinh tế, văn hóa, môi trường, an ninh mạng, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu.
Thứ năm, an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống có mối quan hệ đan xen tác động qua lại lẫn nhau và là nguồn gốc nảy sinh của nhau. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống có khả năng gây hại đến nền tảng sức mạnh của an ninh quốc gia từ từ và lâu dài. An ninh phi truyền thống tác động đến các yếu tố cấu thành nền tảng vững chắc của an ninh quốc gia như nền tảng tư tưởng, hạ tầng, môi trường, sức khỏe con người và cộng đồng xã hội).
An ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống là hai mặt của an ninh quốc gia. Vì vậy, cần nhận diện rõ về mặt khái niệm để có cái nhìn tổng quan, rõ ràng nhất để từ đó có các phương án khắc phục hiệu quả, đảm bảo tính dự báo ổn định và phát triển quốc gia toàn diện.
Từ các yếu tố trên, tác giả đưa ra khái niệm “An ninh phi truyền thống là việc đảm bảo an ninh, an toàn, ổn định phát triển con người, quốc gia, dân tộc và toàn cầu trước các mối đe dọa xuyên quốc gia có nguồn gốc phi chính trị, phi quân sự gây ra”.
Nội dung của an ninh phi truyền thống là những vấn đề bức thiết đang nổi lên hiện nay như: cạn kiệt tài nguyên, bùng nổ dân số, môi trường sinh thái suy kiệt, xung đột tôn giáo, dân tộc, nghèo đói, bệnh tật, tội phạm rửa tiền, an ninh thông tin, tội phạm mạng... An ninh phi truyền thống ngày càng có biểu hiện sâu đậm trong đời sống quốc tế và trở thành vấn đề toàn cầu, an ninh toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa quốc tế càng phát triển thì theo đó, an ninh phi truyền thống càng lan rộng hơn và đậm nét hơn. Các mối đe dọa ninh phi truyền thống thường lan tỏa nhanh, ảnh hưởng rộng mang tính khu vực và toàn cầu.
Hầu hết vấn đề của an ninh phi truyền thống là các vấn đề xuyên quốc gia, quốc tế và toàn cầu. Vậy nên giải quyết các nội dung đó phải là nhiệm vụ mang tính toàn cầu. Cả thế giới đều nhận thức rõ điều đó, nên đã lập ra nhiều tổ chức, nhiều cơ quan chức năng mang tầm quốc tế của Liên hợp quốc hoặc của các khu vực để giải quyết, có những cuộc hội nghị với quy mô tầm thế giới, hàng trăm các nguyên thủ hoặc lãnh đạo chủ chốt các quốc gia tham dự như vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái của trái đất. Tuy nhiên, hầu như tất cả các cuộc hội thảo dù lớn đến vậy cũng khó có thể giải quyết được các việc đó một cách trọn vẹn. Khó nhất của việc giải quyết các vấn đề của an ninh phi truyền thống toàn cầu chính là việc đồng thuận giữa các quốc gia trong việc đóng góp những chi phí khắc phục.
Ví dụ: Kinh tế càng phát triển thì càng sử dụng nhiều tài nguyên và làm cạn kiệt tài nguyên không tái sinh; quá trình sản xuất của nhiều ngành cũng đồng thời làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Vậy, trách nhiệm của việc gây ô nhiễm môi trường trên toàn cầu trước hết phải thuộc các nước phát triển đi trước và tiếp đó mới là các nước đang phát triển. Hiện nay, việc cân đong đo đếm những biến thái tai hại của môi trường do quá trình sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra là có thể làm được; cách thức để xử lý vấn đề cũng có thể nghiên cứu và tìm được các giải pháp nhưng phân rõ trách nhiệm hoặc cắt giảm khai thác thì lại là chuyện khó tìm được tiếng nói chung giữa các quốc gia.
Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống không thách thức trực tiếp đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia nhưng lại uy hiếp và tổn hại đến các yếu tố nền tảng cho sự sinh tồn và phát triển của nhân loại. Một số mối đe dọa an ninh phi truyền thống do yếu tố khách quan đến từ tự nhiên, nằm ngoài tầm kiểm soát của con người như thiên tai, bão lụt… Xong bên cạnh đó cũng có một số đe dọa có nguồn gốc từ yếu tố chủ quan của con người, thậm trí có cả yếu tố chính trị ở trong đó (một số hoạt động khủng bố, an ninh mạng).
Giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống cần sự chung tay của tất cả các quốc gia trong khu vực và phạm vi toàn cầu thông qua con đường ngoại giao. Ngoại giao sẽ là giải pháp chủ đạo vì an ninh phi truyền thống là phi chính trị và phi quân sự, cần có sự hợp tác chân thành cởi mở, phối hợp hành động, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, công bằng, văn minh.
An ninh phi truyền thống lấy con người và chỉ số hạnh phúc, an toàn của con người làm trung tâm, nhấn mạnh đến việc bảo đảm cho mỗi cá nhân trong cộng đồng được hưởng các quyền cơ bản và điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân. Nguy cơ nó có thể đến từ bên trong và bên ngoài, trong đó nhấn mạnh những mối đe dọa từ bên trong của mỗi quốc gia. Nhưng tựu chung lại, cho dù là chủ quan hay khách quan thì đều liên quan đến con người, có sự tác động và can thiệp của con người.
KẾT LUẬN
Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống hiện hữu ngày càng rõ nét và từng ngày tác động đến an ninh con người, nhân loại và an ninh quốc gia. Vì vậy, cần nhận thức đầy đủ về an ninh phi truyền thống và sớm tìm ra các giải pháp hiệu quả, góp phần tăng cường tính chủ động trong ứng phó là trách nhiệm của toàn nhân loại mà trước hết là ý thức của từng người trong mỗi chúng ta.
ThS. Nguyễn Thế Toàn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 74
2. Tạ Minh Tuấn: “Hợp tác Mỹ - Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3-2008, tr. 87
3. Nguyễn Vũ Tùng: Tiếp cận thách thức an ninh phi truyền thống, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 4 (144), 2008, tr. 8 – 10
4. Amitav Acharya là Chủ tịch của UNESCO trong những vấn đề thách thức xuyên quốc gia và Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu ASEAN. Trước đó, ông là Giáo sư Đại học Bristol, Đại học Toronto, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Ủy viên Trung tâm châu Á của Đại học Harvard, Trường John F. Kenedy
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 77
6. Hồ Châu (chủ nhiệm): Mối đe dọa an ninh phi truyền thống và tác động của nó đến quan hệ quốc tế hiện nay. Báo cáo tổng hợp đề tài khoa học cấp bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2006, tr. 29 – 31
7. Lê Văn Cương: “Tác động của nhân tố an ninh phi truyền thống đối với văn hóa và con người ở một số nước Đông Á”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 9-2008, tr. 9
8. Richard H.Ullman là thành viên của Ban Biên tập tờ New York Times. Từ tháng 7-1977, ông là Giáo sư ngành Quan hệ quốc tế tại Princeton University.
9. Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên): Tìm hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 15
10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 71 - 72
11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 69
12. Caballero-Anthony, M. (ed.). 2016. An Introduction to Non-Traditional Security Studies – A Transnational Approach. Sage Publications, London.